Quan tài còn được coi là vật quý, được người Cơ Tu dùng làm quà tặng cho nhau trong mỗi dịp lễ hội.
Già làng Y Kông chỉ chiếc “hòm” do ông tự chạm đục cầu kỳ hoàn thành cách đây không lâu, cho biết: “Tính hậu sự trước cho mình là điều nên làm, là nét văn hóa đẹp để tránh phiền hà đến người xung quanh. Cây được chọn để đẽo hòm phải là cây gỗ tốt, sống lâu năm trong rừng sâu. Khi một ai đó tìm được cái cây vừa ý rồi thì trở về buôn khiêng heo vào làm lễ cúng xin hạ cây, sau đó mới có thể đẽo thành hòm...”.
Hòm của người Cơ Tu được đẽo theo hình thuyền độc mộc, dày và chắc, một đầu khắc tượng đầu trâu, một đầu chạm trổ hình đầu voi. Người già trong buôn lý giải rằng, con trâu là con thú to nhất ở dưới nhà, con voi là con thú to nhất ở trên rừng, bởi vậy khắc hình của chúng là tượng trưng cho sức mạnh, cho sự bền vững.
Còn việc chiếc hòm mang hình chiếc thuyền, bởi theo quan niệm của đồng bào nơi đây thì đời người như một chuyến đi, như chiếc thuyền trôi mãi không bao giờ dừng lại, cho đến khi chết đi, con người sang một thế giới khác thì chính con thuyền sẽ đồng hành cùng họ trong hành trình ấy.
Ngày trước, thường khi làm hòm, người Cơ Tu làm đủ cả 2 chiếc cho vợ chồng. Xong, lấy tên người đặt tên cho hòm. Lâu năm, hòm hư thì làm lại. Nhà nào còn cả đôi hòm tức là còn sống cả vợ và chồng. Chiếc hòm trong mỗi gia đình được coi như một vật quý dùng để cúng tế, trừ tà ma, xua đuổi bệnh tật, cầu mong nương rẫy được mùa, cuộc sống no đủ và cũng là để cầu cho mình được sống lâu với buôn làng, rừng núi. Thế mới có chuyện, nhiều cặp vợ chồng trẻ trong buôn chưa tìm được cái cây ưng ý nên đã tìm đại một khúc cây nhỏ đẽo thành đôi hòm đặt tượng trưng để không “thua bạn kém bè”.
Ở buôn Tống Cói, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam), chúng tôi đã gặp những cụ già đẽo hòm cho chính mình đến 3 - 4 lần. Hòm đẽo xong, nếu chẳng may bị mối, mọt thì đẽo lại, nếu chẳng còn sức để đẽo thì sai con cháu đi đặt mua về.
Với người Cơ Tu, chiếc quan tài trong nhà không gợi nên sự chết chóc mà còn giúp người sống yên ổn hơn. Khi mùa màng thất bát hoặc trong nhà có chuyện không lành, người Cơ Tu lại làm lễ cúng hòm để “con ma” khỏi quậy phá, không bắt đau ốm.
Già Y Kông (85 tuổi), ở buôn Tống Cói giải thích rằng: “Cúng quan tài để con ma yếu đi, người sống khỏe mạnh hơn. Con ma không còn quậy phá thì người trong làng tốt với nhau hơn, vui vẻ hơn. Ngày trước, người nơi này đều coi chiếc hòm là quà quý để tặng nhau... ”
Vinh Minh (Nguồn: Dân việt)
Tin khác