Ngày 19/4 năm nay lại một lần nữa trở thành ngày hội của đồng bào các dân tộc trên cả nước, với nhiều hoạt động phong phú và thiết thực hưởng ứng Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam, nhằm nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào dân tộc. Đáng chú ý là Liên hoan lần này diễn ra tại Làng văn hoá các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô- Hà Nội), với sự tham gia của gần 300 đồng bào thuộc 13 dân tộc thiểu số từ 8 tỉnh trong cả nước. Và họ là chủ thể của các hoạt động của liên hoan.
Điểm nhấn của liên hoan là là Đêm hội tôn vinh văn hoá các dân tộc Việt Nam diễn ra đúng tối 19/4, với chủ đề “Vận hội năm Rồng - Đại đoàn kết, Khát vọng và Thăng hoa". Đây là một chương trình hoạt động đặc sắc hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, khắc họa hình tượng Rồng bay lên cùng vận hội mới của đất nước, hướng tới tầm nhìn 2015-2020.
Nét đặc sắc của văn hoá chợ khắp các vùng miền trong cả nước đã được tái hiện tại đêm hội này.
Năm nay là năm thứ 3 cả nước thực hiện các hoạt động hưởng ứng Ngày Văn hoá các dân tộc Việt Nam theo Quyết định 1668/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động trong chương trình Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam bước đầu đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của bà con dân tộc ở cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp tham gia. Một số địa phương còn có nhiều nội dung gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa-giáo dục, an ninh quốc phòng, xóa đói giảm nghèo... Mặc dù vậy, thực tế 3 năm qua nhiều tiêu chí như chính sách văn hóa, vấn đề bảo vệ môi trường, du lịch... chưa thực sự đáp ứng đúng nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Chính vì thế, ông Nguyễn Trùng Thương- Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Giang cho rằng muốn bảo tồn văn hoá của đồng bào các dân tộc được tốt, trước tiên phải đảm bảo đời sống cho bà con. Điều quan trọng phải có đề án nâng cao đời sống đồng bào mà vẫn giữ được bản sắc văn hóa. Muốn phát triển thì phải làm tốt công tác bảo tồn, muốn phát triển thì có giao lưu. Tất cả những việc làm đòi hỏi phải có kinh phí phù hợp và cụ thể.
Với mong muốn Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phải trở thành một trung tâm để đồng bào thể hiện các phương thức gìn giữ bản sắc của mình, ông Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, Làng văn hoá- không phải chỉ là chỗ quảng bá và trình bày mà là mẫu hình để giữ gìn, bảo tồn văn hóa dân tộc, do đó cần những chính sách rất cụ thể, đồng thời phải hướng dẫn đồng bào các phương thức gìn giữ văn hóa dân tộc và hoàn thiện cả đội ngũ những người làm công tác văn hóa dân tộc.
Trong thời kỳ hội nhập quốc tế như hiện nay, để phát triển mà không bị hoà tan, mất bản sắc, thì việc bảo tồn văn hoá dân tộc đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, tâm huyết, bền bỉ, lâu dài. Có như thế những giá trị văn hoá sẽ mãi mãi được gìn giữ và phát huy.
Cồng chiêng Lâm Đồng diễn xướng
Trong hai ngày 20 - 21/4, hơn 300 nghệ nhân cồng chiêng của các dân tộc K’ho, Chu Ru, Mạ đã tham gia lễ hội văn hóa cồng chiêng “Đại đoàn kết dân tộc” lần thứ VI tổ chức ở huyện Đơn Dương.
Đây là hoạt động văn hóa được tỉnh Lâm Đồng tổ chức hàng năm nhằm vừa bảo tồn vừa phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tạo một sân chơi hấp dẫn, bổ ích cho mọi người - nhất là cho lớp trẻ. Tại lễ hội này, lần đầu tiên ở Lâm Đồng, Sở VHTT&DL tỉnh Lâm Đồng đã trao Giấy chứng nhận nghệ nhân cồng chiêng cho 41 nghệ nhân cồng chiềng tiêu biểu nhất của tỉnh.
Lễ hội Văn hóa cồng chiêng Lâm Đồng lần này có hoạt động đáng chú ý nhất là thi diễn tấu cồng chiêng giữa các đội. Nội dung tập trung vào những kiến thức về cồng chiêng, nhận diện các bài chiêng và diễn tấu cồng chiêng và giới thiệu ý nghĩa bài chiêng của các dân tộc ở Lâm Đồng. Các đội cũng thi các trò chơi dân gian như: bắt cá, vớt bí ngô, lấy nước bằng ống bương, đua bè, cấy lúa, là, nồi gốm… và kết thúc bằng chương trình đêm hội Churu độc đáo.
Tiếp tục nỗ lực tôn vinh văn hóa đọc
“Đọc sách cho ngày mai” - đó là chủ đề của “Ngày hội đọc sách 2012" hưởng ứng Ngày Sách và Bản quyền (23/4), được tổ chức quy mô lớn tầm quốc gia, với nhiều hoạt động phong phú, bổ ích, nhằm khơi dậy và tôn vinh văn hóa đọc.
Địa điểm chính của ngày hội đọc sách năm nay là tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), trong 2 ngày 21 - 22/4 với nhiều hoạt động như: Triển lãm sách, tổ chức các chương trình tọa đàm, giao lưu giữa các nhà nghiên cứu, khoa học, các học giả với công chúng., thi tuyên truyền giới thiệu sách, vẽ tranh theo sách, xây dựng góc thư viện, quyên góp sách xây dựng nông thôn mới.
Năm nay, các nhà sách, nhà xuất bản và công ty sách đều có cách riêng để thu hút người đọc như treo sách, xếp sách nghệ thuật tạo thành những hình ảnh rất vui mắt và ấn tượng. Ngoài việc được tiếp cận với các đầu sách đa dạng, đây là năm thứ hai người xem được chứng kiến những màn xếp sách nghệ thuật thú vị với sự tham gia của 40 nhà xuất bản và nhà sách.
Tại Hà Nội, sáng 21/4, ngày hội đọc sách với chủ đề: "Sách - tri thức: Khởi nguồn thành công" diễn ra tại Thư viện Quốc gia. Năm nay, bên cạnh gian hàng sách đến từ các đơn vị xuất bản có ưu đãi cho các bạn học sinh sinh viên, nhiều hoạt động giải trí liên quan đến văn hóa đọc cũng diễn ra và thu hút nhiều bạn trẻ. Đó là triển lãm các tác phẩm đoạt giải, sách đẹp, sách quí, sách cổ; Tọa đàm, giao lưu giữa các học giả, tác giả, nhà phê bình văn học với bạn đọc và công chúng; Diễn thuyết cảm nhận về một số sách đạt giải thưởng sách Việt Nam; Kể chuyện theo sách bằng tiếng Anh dành cho thiếu nhi; Thi vẽ tranh theo sách dành cho thiếu nhi; Các trò chơi hỏi đáp vui nhộn kiến thức về sách, thư viện, lịch sử, văn hóa, du lịch, môi trường, giao thông... và quyên góp sách, tặng sách.
Còn tại TPHCM, NXB Trẻ phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp TP tổ chức chương trình “Sách đổi sách”: bạn đọc có thể mang một quyển sách cũ đã đọc đến đổi một quyển sách mới của NXB Trẻ hoặc bản sách của Thư viện Khoa học tổng hợp. Tất cả những bản sách nhận từ bạn đọc, Thư viện Khoa học Tổng hợp sẽ dùng để phục vụ cho bạn đọc vùng sâu vùng xa. Đồng thời Thư viện Khoa học Tổng hợp sẽ “Hướng dẫn bảo quản tủ sách gia đình”, bạn đọc sẽ được hướng dẫn các kỹ năng bảo quản sách, thực hành đóng sách tại chỗ miễn phí.
Bắc Ninh tiếp nhận ảnh mộc bản “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ
UBND tỉnh Bắc Ninh vừa tổ chức tiếp nhận ảnh mộc bản “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ do Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt trực thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước trao tặng để trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh và dâng ảnh tại Đền Đô – nơi thờ 8 vị vua triều Lý.
Bản khắc “Chiếu dời đô” của Vua Lý Thái Tổ năm 1010 là một trong những tài liệu có giá trị đặc biệt, được Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tìm thấy trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Đây là một minh chứng xác thực về lịch sử Thủ đô ngàn năm văn hiến cũng như công lao to lớn của Vua Lý Thái Tổ.
Mộc bản “Chiếu dời đô” nằm trong bộ ván khắc sách Đại Việt Sử ký Toàn thư – là bộ quốc sử Việt Nam được biên soạn từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 17. Toàn bộ bản mộc “Chiếu dời đô” có 214 chữ (không kể phần chú thích), khắc chữ Hán ngược và là bản cổ nhất về “Chiếu dời đô” được tìm thấy tính đến thời điểm hiện tại.
Để tiếp tục phát huy giá trị khối tài liệu mộc bản triều Nguyễn – Di sản Tư liệu thế giới, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV đã thực hiện 2 bộ ảnh chụp mộc bản, bản dập và bản dịch “Chiếu dời đô” và tặng tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, 1 bộ dâng lên các vị Vua triều Lý tại Đền Đô, 1 bản trưng bày tại Bảo tàng tỉnh để công chúng trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm ngưỡng, qua đó, khích lệ lòng tự hào dân tộc, giáo dục lòng yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ, đồng thời quảng bá lịch sử, văn hóa Việt Nam ra thế giới.
(Theo Chinhphu.vn)