Kho báu của buôn làng Tây Nguyên

10:48 AM 01/04/2014 |   Lượt xem: 1739 |   In bài viết | 

Khi Điểu Klung còn là cậu bé 5-6 tuổi, buôn làng Pu Prâng hiếm khi vắng lời Ót N’rông. Không phải chỉ dịp lễ hội bà con buôn Pu Prâng mới hát kể sử thi, mà mỗi khi có khách, gia đình, dòng họ có việc, già trẻ, gái trai lại quây quần bên bếp lửa, trên nương rẫy, khi đi săn thú trong rừng, bắt cá dưới suối, là người già lại cất lời hát kể sử thi để mọi người cùng nghe. Sử thi của người M’nông chỉ không được hát khi trong nhà có đám tang, hoặc có người chết chưa bỏ mả (chưa đủ 3 năm). Sử thi M’nông cũng cấm kỵ không được diễn xướng một mình, mà phải có người nghe mới được hát kể. Điểu Klung cho biết, từ nhỏ mặc dù chưa biết chữ nhưng do đam mê sử thi, nên ông thường theo những người già, chú bác trong dòng họ để được nghe hát kể sử thi, kể lai lịch dòng họ và kể luật tục người M’nông. Nghe đi, nghe lại nhiều lần, qua nhiều đêm, nhiều ngày, từ năm này sang năm khác, nên sử thi và luật tục dần dà ngấm sâu vào trí nhớ của nghệ nhân. Để rồi khi trưởng thành, nghệ nhân đã hóa thân được vào tất cả các nhân vật của hơn một trăm sử thi mà ông đã thuộc nằm lòng. Do có kiến thức và những hiểu biết văn hóa nhất định, nên năm 1967, ông bị chính quyền Sài Gòn bắt làm nhân viên văn hóa, đến năm 1973, khi Quảng Trực giải phóng, ông đã trình diện chính quyền cách mạng và kể từ đó tích cực tham gia nhiều hoạt động văn hóa, xã hội tại địa phương.

Từ năm 1995, khi tỉnh Đắc Lắc tiến hành điều tra, sưu tầm sử thi M’nông, Điểu Klung là một trong những người đầu tiên tham gia. Ông là người kể chính để Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Đắc Lắc xuất bản tác phẩm sử thi “Kể dòng con cháu mẹ Chêp” năm 2003. Đây được xác định là tác phẩm sử thi gốc, với nội dung kể về các nhân vật xuất hiện trong chuỗi sử thi Ót N’rông. Trước đó, Điểu Klung sưu tầm, anh trai Điểu Kâu dịch thuật cuốn Luật tục M’nông, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia xuất bản năm 1998. Từ năm 2001 đến 2007, khi Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), phối hợp các tỉnh Tây Nguyên và giáp Tây Nguyên thực hiện Dự án “Điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản sử thi Tây Nguyên”, nghệ nhân Điểu Klung cùng anh trai Điểu Kâu, chị gái Thị Doanh và cháu gái Thị Mai (con gái của nghệ nhân Điểu Kâu) tham gia rất tích cực. Với vốn Ót N’rong sẵn có của mình, nghệ nhân đã hát kể phục vụ công tác ghi âm, biên dịch được 50 tác phẩm sử thi M’nông.

Đến nay, các tác phẩm sử thi M’nông do nghệ nhân hát kể sưu tầm đã xuất bản được 27 tác phẩm, đang chuẩn bị xuất bản 23 tác phẩm. Trong số đã xuất bản, tiêu biểu là các tác phẩm: Lêng Kon Rung bị bắt cóc bán; Cướp máy kéo chỉ của Ndu Kon Mach; Tiăng bán tượng gỗ; Thuốc cá ở hồ bầu trời, mặt trăng; Bing kon Tooch cướp Leeng; Bán chiêng Yau cho Bon Tiăng; Leeng cướp dê nga kon suh; Tiăng lấy ché con mèo; Diăng Nghe tự tử; Leeng lấy trống đồng Bông Yang Kon The; Tiăng đi lấy sừng trâu; Thần cưa răng Kon Rung,… Trung bình mỗi sử thi ghi âm khoảng 10 băng (loại 90 phút); khi dịch ra song ngữ M’nông – Việt có dung lượng trên dưới 1.000 trang. Tiêu biểu về độ dài là tác phẩm Thuốc cá ở hồ bầu trời, mặt trăng, dịch và in 2 tập song ngữ M’nông – Việt, mỗi tập dày 500 trang.

Nghệ nhân Điểu Klung tự hào khi không gian diễn xướng sử thi Tây Nguyên đang được đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, và Ót N’rông của người M’nông được đánh giá là những sử thi có độ dài nhất của thế giới. Cũng chính vì sử thi M’nông có độ dài như vậy, nên những năm gần đây, khi tuổi cao, sức yếu, trí nhớ giảm sút, nghệ nhân phải tranh thủ hằng đêm ghi chép tóm tắt những sử thi M’nông mà ông còn nhớ lời ra những trang giấy, để cất giữ cẩn thận. Hôm chúng tôi tới nhà, nghệ nhân đã ghi tóm tắt đến tác phẩm thứ 112. Ông trăn trở: “Bây giờ mình còn phải ghi chép 8 sử thi nữa mới hết những tác phẩm mình đã thuộc. Ước nguyện của mình là cùng với cháu gái Thị Mai ghi âm, ghi chép lại toàn bộ những tác phẩm sử thi M’nông mà mình thuộc, mà đến nay chưa sưu tầm được, để đến khi mình đi theo anh trai Điểu Kâu về trời, sử thi M’nông vẫn sống mãi với buôn làng Tây Nguyên”.

Với những đóng góp của mình, năm 2003, nghệ nhân Điểu Klung được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng Bằng công nhận Danh hiệu Nghệ nhân dân gian, được tặng Huy chương vì sự nghiệp Văn học dân gian; năm 2006 được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khoa học xã hội. Bây giờ ở buôn Tul A, xã Ea Wel, nghệ nhân Điểu Klung còn là người có uy tín, chi hội trưởng người cao tuổi.


(Theo www.qdnd.vn)