Ông Thuyển rất ham mê đọc và sưu tầm sách. Cuốn sách chữ Thái
cổ đầu tiên mà ông tìm được chính là “Gia phả dòng họ Đèo” (một dòng họ lớn trên
vùng đất Phong Thổ xưa). Khi ấy, do chủ nhân cuốn sách không đồng ý bán, nên ông
đã phải năn nỉ mượn về photocopy. Từ việc tò mò, thích thú tìm hiểu, đến say mê
nghiên cứu, ông Thuyển đã “nghiện” chữ Thái cổ lúc nào không hay.
Phần lớn thời gian từ khi nghỉ hưu (năm 2008 đến nay), ông Thuyển dành trọn để
tìm kiếm các bản sách còn lưu truyền trong dân gian. Kho tư liệu sách Thái cổ
của ông đến nay đã lên đến gần 100 đầu sách, chủ yếu là các bản ghi chép bằng
tay. Có những bản chữ đã mờ, rách mục, ông lại nghiên cứu để chép, dịch lại và
bổ sung những chỗ thiếu khuyết.
Không chỉ sưu tầm sách, ông còn dịch và viết sách bằng tiếng Thái. Hiện ông
Thuyển đã có gần 10 đầu sách dịch đã được in, xuất bản và tái bản, như: “Chuyện
thơ Khun lúa nàng Ủa”; “Lang xon cun” (răn dạy người); “Lang cun máư” (những
điều răn dạy người đời mới); “Truyện Trạng nguyên”; “Truyện Phạm Công Cúc
Hoa”... Ông cũng đã được nhận nhiều giải thưởng của Hội Văn nghệ dân gian Việt
Nam và Hội Văn học nghệ thuật Lai Châu.
Ông Thuyển chia sẻ: “Những người biết chữ cổ không còn nhiều, nên tôi muốn
truyền dạy chữ Thái cổ cho lớp trẻ; đồng thời muốn lưu lại những gì mình đã có,
đã nghiên cứu, học tập, giúp con cháu sau này biết về nguồn cội”.
Bài và ảnh: Quang Duy (Nguồn: baotintuc.nv)