Hội Phụ nữ Mù Cang Chải (Yên Bái): Sáng kiến tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19
07:56 AM 13/04/2020 | Lượt xem: 11972 In bài viết |Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, Hội Phụ nữ huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã có sáng kiến làm loa cầm tay tự chế, thu 2 thứ tiếng (tiếng phổ thông và tiếng Mông) đến từng thôn, bản, từng nhà dân tuyên truyền về tác hại và cách phòng, chống dịch Covid-19. Cách làm này đã tạo được hiệu quả rất lớn trong việc nâng cao ý thức phòng dịch của đồng bào.
Mù Cang Chải là một huyện vùng cao, điều kiện kinh tế - xã hội (KT-XH) còn nhiều khó khăn, có trên 91% là đồng bào dân tộc Mông, trong đó tỷ lệ người già, phụ nữ không nghe, nói được tiếng phổ thông chiếm đến 45%, bà con lại sinh sống rải rác ở 98 thôn bản… Đây cũng chính là thử thách lớn đối với công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 tại Mù Cang Chải.
Với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”, với phương châm “thần tốc, đồng bộ, toàn dân, toàn diện; không để ai đứng ngoài, không để ai lại phía sau”, Hội Phụ nữ huyện đã có sáng kiến làm loa phát thanh tự chế và tiến hành dịch tài liệu tuyên truyền sang tiếng Mông, thu âm song song 2 thứ tiếng vào USB, phát qua loa cầm tay tự chế đến từng khu vực, thôn, bản và hộ gia đình để tuyên truyền về tác hại và cách phòng, chống dịch Covid-19.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, bà Sùng Thị Mỷ cho biết: Để có được một chiếc loa cầm tay tự chế, chúng tôi đã cùng nhau nghiên cứu cách làm sao cho đơn giản, hiệu quả nhất. Sử dụng những vật liệu có sẵn, chiếc vành loa bằng chất liệu hợp kim nhôm, một bộ khuyếch đại âm thanh, một pin; một công tắc; đầu dây kết nối âm thanh; một USB đã thu sẵn nội dung tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng; bệ phóng âm thanh từ chất liệu nhôm không gỉ… Chỉ mất khoảng 4 - 5 giờ đồng hồ để hoàn tất được chiếc loa, nhưng những công đoạn cũng đòi hỏi sự tỷ mỉ và có sự am hiểu nhất định về kỹ thuật lắp rắp âm thanh.
“Chiếc loa này được thiết kế nhỏ gọn, nhẹ, dễ cầm, có khả năng phát rõ âm thanh trong phạm vi 200 - 300m. Chỉ cần chuẩn bị chiếc pin thông dụng là có thể hoạt động thông suốt 8 - 10 tiếng đồng hồ”, bà Mỷ cho hay.
Có loa rồi, đều đặn mỗi ngày 2 buổi, sáng, chiều cùng với nhiều hội viên Hội Phụ nữ huyện, bà Sùng Thị Cha, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Púng Luông lại trực tiếp vào từng bản, từng hộ gia đình có người không biết tiếng phổ thông để giúp dân hiểu về dịch bệnh. Hội Phụ nữ xã Púng Luông có tổng 759 hội viên, hằng ngày chị em phân chia nhau lần lượt đi tuyên truyền tại 8 bản.
“Tôi đang tham gia lớp học xóa mù chữ, nhưng chưa thể đọc và nghe thông thạo tiếng phổ thông. Hằng ngày được nghe các chị em tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng mẹ đẻ qua loa, tôi đã hiểu hơn về sự nguy hại của dịch, biết được cách phòng dịch cho mình và cho gia đình...”, chị Cứ Thị May, ở xã Khao Mang chia sẻ.
Cách làm trên của Hội Phụ nữ Mù Cang Chải cho thấy, trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong điều kiện như thế nào, khi đối diện với những khó khăn, thì mỗi người dân lại có những cách làm hay, sáng tạo. Ban đầu, chị em chỉ dự kiến sẽ thực hiện thí điểm tại xã Mồ Dề, tuy nhiên, với hiệu quả của nó, sau đó 14 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã áp dụng để triển khai tuyên truyền một cách tích cực.
Theo: Hoài Dương (baodantoc.vn)